Tuesday, February 21, 2017

Đại Nam Di Truyện - Hồi 3 :Pháp sư Tàu chiêu binh

Năm Cảnh Hưng thứ ba mươi chín[1]. Hạn hán tháng 4 kèm với nạn hoằng trùng[2]. Ban đầu, nồi cơm không còn trắng như thường nữa, điểm vào đó là những dong, những khoai, những chuối. Dần dà, cũng chẳng còn những thứ đó nữa. Hai bữa cơm một ngày dần thay bằng một bữa, rồi thì hai ngày một bữa. Trâu được cầm cố cho nhà giàu, gà, vịt thưa dần vì được bán đi hoặc thịt ăn dần. Người ta đổ ra sông đánh cá, đánh tôm, bắt tép, cũng lay lắt khi được khi không. Rồi đến mèo, chó, người ta cũng không thể để lại như trước nữa, cũng phải thịt ăn, mà ăn dè ăn sẻn, nấu nồi nhựa mận để khó bị thiu ăn suốt nửa tháng(???).Cũng rất nhanh, chỉ vài tháng sau, không còn lấy một con chó con mèo nào trong làng, vì nhà nào thương lắm, tiếc lắm, thân thiết lắm thì cũng phải thịt ăn, nếu không thì cũng bị trộm bắt mất. Ruột sắt lại. Người ta hè nhau ra đồng bắt chuột. Rồi chuột cũng cạn dần. Thường thì chẳng ai dám động đến cá trê gần mả vì ghê cá trê ăn thịt người chết, nhưng đói mạnh hơn sợ, cá trê mả cũng ăn. Cuộc sống của người dân lúc này chỉ xoay quanh từ ăn và ăn. Sáng dậy hỏi hôm nay ăn gì, tối đi ngủ nghĩ mai có chết đói không… Trịnh chúa cứu đói bằng cách bắt ép nhà giàu phải nộp thóc gạo để phát chẩn. Nhưng nhờ đó mà quan được mùa to. Gạo phát chẩn trộn lẫn mùn cưa phát cho dân chúng. Mà cũng phải ăn, những nồi cháo dần ít hồ mà chỉ còn mùn với mùn. Nhà giàu thì tha hồ thu về trâu, bò. Ngẫm lại, nếu từ trước đến nay, “nước chảy chỗ trũng thì đói chỉ làm tăng thêm độ dốc để trũng sâu thêm.
Những ngày đó, mỗi ngày trong trấn có rất nhiều người chết, một phần là người của trấn, phần khác là những người hành khất xin ăn từ các vùng nông thôn hẻo lánh hơn. Thực ra họ chỉ đi qua đấy, vì mục đích của họ là Kinh thành. Kinh thành không dễ sống hơn, nhưng có lương thực, có lúa gạo, khoai sắn… Giống như nước chảy từ các khe nhỏ về khe lớn, từ khe lớn về suối, từ suối đổ về song, từ song đổ ra biển. Kinh thành chính là biển lớn mà họ trông chờ, Tam Dương cũng là một khe suối nhỏ trong dòng chảy ấy. Càng ngày, họ tràn về càng nhiều, sau một hành trình dài tìm hy vọng, họ chết tại nơi xa lạ này. Quan trong huyện ngay từ tháng năm đã cho đào một cái hố vuông mỗi cạnh ba trượng, sâu một trượng ngay cạnh làng Quyết, lệnh cho tất cả mọi người đều phải tránh xa trong vòng một dặm. Dân làng vốn đã trải qua nhiều trận đói đều truyền tai nhau rằng cái hố đó dành để chôn người chết, quan cấm đến gần thứ nhất là để tránh dịch, thứ hai là để tránh lòng dân hoang mang. Huyện Tam Dương nổi tiếng vì mỗi khi xuất hiện người chết đói đều có những chuẩn bị chu đáo khiến không bao giờ thấy người chết trên đường. Cũng vì chuyện này mà quan huyện được triều đình khen ngợi và ban thưởng. Cái hố đó, cách nhà Quyết không đến hai dặm.
Khi đó, Quyết được 13 tuổi, với thời thế như vậy, hắn không tránh khỏi chết đói, đó là điều hiển như như việc gã là một kẻ ăn mày. Từ hơn một tháng nay, chẳng có ai cho Quyết một hào cắc hay chút gì ăn được cả. Gã buộc phải ăn đủ thứ. Ban đầu hắn ăn chuối, thêm chút rau tập tàng, vơ được đâu đó ven đường. Rồi thì cỏ, rễ cây, hoa, côn trùng, đôi khi cả giun đất, hắn còn rình ngựa quan với nhà giàu để chờ khi ngựa đại tiện liền bới tìm những hạt ngô chưa tiêu hóa được mà ăn. Có hôm có quan lý trưởng đi uống rượu về, say quá, đứng ven đường vạch quần, đái một bãi, rồi thì hắn nôn thốc nôn tháo. Quyết thấy được, mừng rỡ, chẳng kịp chờ tên quan kia đi mà cứ thế lao vào bốc lấy bãi nôn mà ăn, đại khái thì cảnh tưởng là một người cứ nôn, còn một người cứ ăn. Hôm đó, hắn được một bữa no, nhưng chua loét! Suốt cả ngày hắn đào, hắn bới, hắn ngó nghiêng. Bây giờ hắn không còn đi thẳng được nữa, thường phải bò. Xương sườn bắt đầu nhô cao. Các khớp xương như bắt đầu lồi ra, như sưng lên. Chắc chắn hắn sẽ chết. Hắn biết thế.
Chết đói vốn là thứ đáng sợ nhất so với chết đuối hay chết khát, bởi nó diễn ra trong thời gian dài. Nếu chết đuối trong vài phút thì chết khát trong vài ngày. Nhưng chết đói thì nhiều tuần, có khi đến cả tháng trời. Thêm vào đó, ma mạnh là ma chết trẻ hoặc oan ức. Những linh hồn chết đói là một trong những kiểu linh hồn chết oan khuất và tức tưởi vì còn nhiều dằn vặt khổ sở và oán hận trong lòng nên khi chết đi không được siêu thoát dễ dàng, trở thành những vong sống vất vưởng trong thế gian. Vì thế, sự đau khổ của chết đói dày vò con người hơn.
Phàm là con vật cũng có bản năng sinh tồn vô cùng mạnh mẽ. Con người, dù gì cũng có phần con trong mình, khi bình thường bị ràng buộc bởi lễ giáo, gia phong, luân thường đạo lý. Ngay cả phường ác tặc giết người không ghê tay cũng không thoát khỏi những quy tắc này, cái gì anh hùng nghĩa khí, cái gì là cướp cũng giữ chữ tín. Tất cả phần người chỉ có thể có khi người ta không bị đói. Càng đói, phần con càng mạnh mẽ hơn. Đói ít thì người ta gắt gỏng, khó tính. Đói nhiều, người ta phá bỏ thói quen tìm đủ thứ để thỏa mãn dạ dày. Đói quá, người ta thành con thú điên cuồng đòi tìm thỏa mãn.
– Phải ăn thịt người chết! Hắn nghĩ đến cái hố chôn xác cuối làng.
– Phải, trong vòng vài chục dặm quanh đây chắc có lẽ chỉ còn cái hố đó còn thức ăn.
Thực ra đó cũng chẳng phải là do hắn nghĩ, đó là mệnh lệnh của cơ thể đưa ra để bảo vệ mạng sống, kể cả khi đó là điều man rợ. Nhưng sống là điều quan trọng, ăn vài ba cái xác đã chết để chịu cái dày vò của luân thường đạo lý đối với người quân tử có lẽ chẳng bằng chết đi. Nhưng Quyết là một gã ăn xin. Một gã ăn xin thì cần gì luân thường đạo lý. Chỉ cần đạo lý của trời cho sinh vật: Được sống. Thứ hai nữa, Quyết sinh ra trong nhà làm nghề khâm liệm, việc tiếp xúc với xác chết đối với hắn chẳng có gì là đáng sợ. Vì trước khi sa sút, theo lệ nhà Quyết, bố mỗi khi đi liệm ai thường dẫn theo con trai để học nghề từ khi còn rất bé. Thực ra, việc ăn thịt người không phải là không có tiền lệ. Nhiều nhà phải đổi con cho nhau để ăn. Để ngẫm lại rằng việc Quyết định làm cũng chỉ đáng ghê tởm chứ chưa phải là ghê tởm nhất.
Đêm đó là ngày rằm tháng bảy. Quyết lết từng bước từng bước đến bãi chôn người. Gã biết nhưng tên lính hầu thường quấy quả cho xong chuyện nên cái bãi chôn người này không mấy khi được lấp cho kín, mùi bốc lên cách xa cả dặm, xú khí xung thiên. Gã sẽ tìm một cái xác nào mới để duy trì cuộc sống. Bùi nhùi lửa đã mang, lửa sẽ xua đi mùi xú uế và hắn sẽ nướng qua thứ thức ăn đó-hắn cố không nghĩ đến từ xác chết- có thể được ăn và cuối cùng, hắn sẽ sống!
Đó là một cái hố rộng đến ba trượng, sâu đến một trượng, quả như hắn đoán, những tên quan binh không hề lấp đất. Vì thế, ngay khi thò đầu vào hố, hắn sực hít phải mùi tử thi bốc lên cuồn cuộn. Hắn lập tức nôn thốc nôn tháo một thứ nước vàng vọt, chua loét. Hắn cố trấn tĩnh lại:” Nếu không ăn thì chết”. Hắn thử một lần nữa nhưng còn đủ tỉnh táo để không lặp lại sai lầm khi nãy, hắn nghiêng người, kê đầu bên hố, hắn thò tay với xuống hố, hắn mò mẫm. Không khó khăn gì để tìm được những thi thể kia, vì chúng lấp gần đầy hố. Hắn quơ được một bàn tay. Hắn bặm môi kéo mạnh. Nào ngờ bàn tay không hề khó kéo như hắn nghĩ mà vụt thuận theo ý hắn. Quyết hét lên một tiếng, hết hồn vì nghĩ người đó còn sống. Hắn ngã ngửa ra sau, lăn một vòng. Cú ngã làm hắn đau ê ẩm và sợ. Hắn định thần lại và nhìn kỹ thì thấy tay hắn chỉ cầm một bàn tay. Một bàn tay mục rũa và tím tái. Không thể ăn thứ đó. Hắn lại gượng quay người lại một lần nữa. Đột nhiên hắn thấy nhiều tiếng động sột soạt xung quanh hắn. Hắn nhìn quanh và thực sự kinh hãi, trong bóng đêm, xung quanh hố này có rất nhiều bóng đen. Những bóng đen này, hoặc là bò lết như hắn, một số khác mặc dù đứng mà lết được trên hai chân nhưng dáng điệu gầy gò, còm cõi, từng bước đi cực kỳ khó nhọc. Những bóng đen này, lẩn khuất trong bóng tối, nhưng nhìn kỹ ra thì nhiều vô kể, chúng đều hướng tới cái hố này. Hắn hoảng hồn, không hiểu đây có phải là những hồn ma hay chăng?
Một vài bóng đen lúc này đến được miệng hố, bất chấp hôi thối mà lao hẳn xuống hố. Quyết kinh ngạc không hiểu sao lại có chuyện kỳ dị như thế.
Trước mắt hắn, những bóng đen động đậy dưới hố lần lượt tìm kiếm gì đó. Đến khi tìm được, chúng đều cúi đầu dí sát đầu vào vật đó. Chúng đang ăn!
Quyết bây giờ mới vỡ lẽ ra, những bóng đen này đang ăn những cái xác. Bọn chúng đều lao xuống hố rồi tìm kiếm những cái xác mới chết mà ăn. Thì ra, không phải chỉ có một mình Quyết nghĩ đến chuyện ăn người chết.
Trong hố có một tiếng hét lên làm tất cả các bóng đen và cả Quyết giật mình. Thì ra có một bóng đen khi ngã xuống thì bất tỉnh, một bóng đen khác thấy cơ thể người này chưa bị phân hủy, bèn để sống mà cắn một miếng nơi bắp tay. Nào ngờ người này tỉnh dậy, hét lên được một tiếng rồi đạp người kia ra. Cuối cùng cả hai đều ngất đi. Rất nhanh, hai cái bóng đen ngã ra lại bị những bóng đen khác xâu xé lấy.
Bây giờ không còn là người ăn xác chết nữa. Mà là người ăn thịt người, còn sống. Là vì họ nhận ra cái hố này chôn toàn những người chết ít thì một hai ngày, nhiều thì cả tháng nên không tài nào nuốt nổi. Đành phải quay ra cắn cả người mới ngất đi. Rồi hoặc là người ngất đi tỉnh dậy, hoặc là tranh dành lẫn nhau, những bóng đen hỗ chiến với nhau bằng chút sức tàn nhưng cực kỳ khốc liệt và man rợ, dần dần thì thành một hỗn chiến dưới hố mà người tham gia vào ngày càng đông, kể ra phải đến ba bốn chục, tranh giành, cắn xé lẫn nhau.
Quyết kinh hãi quá, mà muốn chạy cũng không còn sức nữa nên đành trân trân ngó vào hố mà không thể làm gì.
Đó quả là địa ngục trần gian.
Đột nhiên Quyết nhận ra sau lưng mình có một vật đè lên. Một người sắp chết đói khác đang đè lên hắn, cắn một miếng vào bắp chân. Quyết hét lên một tiếng, nhưng dường như kiệt lực, hắn ngất đi.
Mưa! Mưa làm hắn tỉnh chết. Chẳng biết đã qua bao nhiêu lâu. Lúc này trời tối mịt mùng, dù đêm nay là rằm nhưng mưa to quá nên hắn không nhìn thấy gì. Xung quanh mềm mại và ướt át. Cảnh hỗn loạn lúc trước không còn nữa, nhưng hôi thối kinh khủng. Mùi hôi thối mà khi nãy đã làm hắn nôn ọe. Hắn kinh hãi nhận ra: Mình đang nằm dưới hố!
Đang lúc kinh hãi thì thấy có tiếng hú dài. Mùi hương ở đâu làm hắn càng hoảng hốt hơn:”lẽ nào mình đã chết?”. Chết đói! Ai cũng biet những người chết không ai thân thích, không nhà không của, không mồ mả sẽ thành cô hồn, tất cả những linh hồn của người chết oan uổn, chết đuối, chết vì dã thú, những người chết trận, chết đói… đều trở thành cô hồn. Cô hồn chính là những linh hồn vất vưởng trên trong nhân gian, không được siêu thoát, đây là tình trạng con người lo sợ nhất sau khi chết, không những không được ai nhang khói thắp hương, không mồ mả để nương hồn, mà một số còn bị quỷ địa ngục bắt về, tra tấn vì những tội lỗi đã làm trong quá khứ, rồi nếu được đầu thai thì cũng thành kiếp chó lợn súc vật mặc người ta muốn chém muốn giết tùy ý. Lại có những cô hồn nay đây mai đó không bị bắt cũng không được đầu thai. Chết làm con ma đói, không biết rồi sẽ ra sao. Trong lúc Quyết chưa thể quen ngay với cái ý nghĩ mình đã thành một cô hồn thì bỗng có một tiếng thầm thì, cái giọng này làm người ta rợn người, vì mới nghe thì ấm áp nhưng dần dần thấy ma quái, trong sự dịu dàng có sự mạnh mẽ, có khi khẩn khoản van xin, có khi nài nỉ ý ôi, có lúc mê hoặc lòng người, nhưng cũng có khi mạnh mẽ như ra lệnh, bạo mạnh như quát nạt, mà tựa như thể nhẹ nhàng là hình còn mạnh mẽ là thế, trong bọc có kim. Nghe tiếng gọi này người ta vừa muốn nghe theo, người ta vừa sợ hãi mà phải nghe. Qua một hồi lâu Quyết mới đủ bình tĩnh để nghe từng câu từng chữ. Đó giống như một bài ca. Nhưng nghe kỹ thì thực ra giọng đọc ca nhiều bài và mỗi bài một vẻ, liên tiếp nhau không ngừng nghỉ, hết bài này đến bài khác, có bài dài lê thê, có bài ngắn gọn. Sau mỗi bài, lại có một tiếng hú dài. Quyết nghe có một bài ca rằng:
Hồn hỡi hồn
Cô đơn cõi chết
Không người thân thích
Không có cơm ăn
Đêm tối lang thang
Bụng thèm miệng khát
Áo cơ quần rách
Vất vưởng về đâu?
Hồn hãy mau mau
Theo thầy chịu lệnh
Không còn nhang lạnh
Thầy cúng áo quần
thầy cúng cơm canh
thầy cho vàng bạc….
Hồn hỡi hồn!
Về nơi thầy không còn vất vưởng
Về với thầy có bạn âm binh!
Hắn từ nhỏ đã theo cha ông làm nghề khâm liệm, tiếp xúc với ác chết nên những chuyện về ma quỷ hắn cũng có đôi chút kiến thức.
-“Đây chẳng phải văn khấn âm binh sao? Hôm nay lại là rằm tháng bảy!” – Hắn kinh hãi nghĩ thầm.
Ngày xá tội vong nhân, chính là ngày âm phủ mở cửa để các vong hồn được tự do đi lại trên dương thế, một số ít trong số đó được siêu thoát, đầu thai, một số khác thì chỉ được tự do vào ngày duy nhất đó trong năm. Đêm rằm tháng bảy, là đêm mà dương thế nhiều vong hồn vất vưởng nhất. Các nhà đều thắp hương khấn cúng để phát thực. Lệ tục phát thực đó một phần vì lòng nhân đạo, cảm thương cho những kiếp lầm than chưa trot, nhưng phần khác chính là lo sợ sinh ra cúng bái. Đêm rằm tháng bảy, chính là cơ hội mỗi năm có một lần, là đêm mà các thầy phù thủy lập “thu binh trận”. Binh ở đây chính là âm binh. Để thực hiện trận, thầy phủ thủy trước hết phải yểm thân, nghĩa là tự mình phải không để cho ma quỷ xâm phạm, muốn như thế có nhiều cách tùy theo từng chi phái khác nhau. Có người tự vẽ bùa yểm quỷ lên thân. Có người luyện bùa làm từ thai nhi ruột thịt của hắn, có người phải dùng kiếm ấn của một vị tướng quân nào đó nhuốm máu đủ chín mươi chín người, có người dùng xác trinh nữ… Các loại bùa khác nhau đều có chung công dụng là giữ cho phù thủy – vị tướng âm binh không bị chính âm binh của mình hại. Tùy theo công lực và mức độ công phu của từng loại bùa mà mang lại hiệu quả mạnh yếu khác nhau. Ví dụ như vẽ bùa yểm quỷ thì người vẽ rất quan trọng. Nếu người vẽ đã hành nghề lâu năm, số lượng âm binh lớn thì bùa đó đủ sức trấn yểm đa số các loại linh hồn hay ma quỷ, nhưng chẳng may gặp nhưng vong hồn của tướng lĩnh thất trận, oai dạnh lẫm liệt, chỉ hiềm hồn không về được huyệt mộ thì sẽ tang mạng mà bị chính vong hồn tướng quân đó sử dụng, trở thành con rối trong tay vong hồn đó. Vong hồn đó tuy không phải là được đầu thai nhưng cũng coi như được sống một lần nữa, lẽ dĩ nhiên chỉ được sống trong bóng đêm suốt đời không được tiếp xúc với vật cực dương của thế gian là mặt trời. Về thuật tự yểm thân, thực cao thâm khó lường hết.
Tiếp đó, các thầy phù thủy lập “thu binh trận”. Trận pháp này cũng đa dạng khó lường. Về cơ bản có hai cách “chế” và “dụ”. Chế là áp chế bằng cách cưỡng bức linh hồn vào trận, “dụ’ là phủ dụ vong hồn vào trận. Trận “chế” bao giờ cũng khó lập hơn nhưng thu được binh mạnh hơn vì nên nhớ rằng linh hồn càng oan khuất, oán thán thì càng có sức âm. Những binh thu được từ trận “chế” một khi phản chủ thì tay phù thủy sẽ thê thảm vô cùng, không những bản thân mà con cháu đều bị liên lụy. Trận “dụ” dễ lập hơn, ít nguy hại hơn nhưng thường không thu được binh mạnh. Có thầy lập trận “chế” theo bát quái ngũ hành để ma quỷ đi vào đó thì lạc không thể thoát ra, các thầy có thời gian áp chế. Có thầy dùng trận “dụ”, chỉ cần đặt linh vật như chín mươi chín đồng xu được ngậm trong miệng chín mươi chín người chết (dĩ nhiên những đồng xu này được đào trộm mộ mà có) để thu hồn vong nhân rồi dùng lời lẽ mê hoặc để phỉnh dụ. Loại trận pháp này giống như một loại giao dịch của thương nhân, không ràng buộc mạnh mẽ, chặt chẽ. Những âm binh cũng không đủ sức làm cac việc như chữa bệnh hoặc giết người hoặc bảo vệ thầy phù thủy mà thường chỉ có thể làm những việc như tát nước hoặc thám thính hoặc sai âm binh đi ném đá, gạch vào nhà người khác, nói tóm lại là những việc lặt vặt. Trận thu binh của thầy phù thủy thông thường sẽ có lễ vật trọng
Hắn cảm thấy kinh hãi,vì hắn biết, đối với chuyện mình đang ở đây lúc này, việc đã chết hay đang sống đều chang co gi tốt dep cả. Hắn hiểu rằng mình đang nằm ngay giữa trận đồ thu binh của một thầy phù thủy nào đó. Trận thu bình này lập đúng ngày xá tội vong nhân và ngay tại nơi nhiều người chết đói thế này, thì số lượng âm binh theo thầy sẽ nhiều không kể xiết. Chỉ có thầy phù thủy cao tay ấn mới có thể lập được trận lớn thế này.
Quyết thầm nghĩ, nếu hắn đã chết thì nghe lời khấn này nếu quy theo gã phù thủy kia thì khác nào bị giam cầm mãi mãi, vất vưởng không được thành người. Nếu không nghe theo thì có thể bị đội âm binh sẵn có của gã phủ thủy kia ám toán (???). Nếu giả hắn chưa chết thì phàm là người nào không có căn mà nhìn thấy âm binh thì không sớm cũng muộn sẽ bị âm binh “giết người diệt khẩu”. Mà nghe nói, chưa chắc đã được chết tử tế, thường thì là những tai nạn thảm khốc không nhận ra hình hài, hoặc nếu không thì cũng sẽ bị ngớ ngẩn điên rồ, sống cũng không bằng chết.
Vậy mà hắn đang ở đây, ngay giữa “thu binh trận”!
Khi đó mưa đã dứt, gió thổi nhẹ. Hắn dần tỉnh táo hơn, nhưng lạnh. Hắn biết mình chưa chết vì mặc dù khó khăn nhưng hắn thở, rõ ràng là hắn thở như bất kỳ sinh vật sống bình thường nào khác. Nhưng hắn sực tỉnh vì mùi thức ăn, mùi thịt gà, mùi rượu, mùi hương hòa lẫn với nhau. Nguyên là người đói rất nhạy với mùi thức ăn, dù cho mùi thức ăn quyện với mùi xác chết đi nữa. Khi trước hắn mới ngất đi tỉnh dậy, chưa quen với mùi hôi thối bốc lên, trời lại mưa và tinh thần khiếp sợ khiến hắn không cảm nhận được mùi hương này. Rõ là mùi thịt gà, mặc dù mấy năm nay không được ăn thịt gà nhưng hắn vẫn không thể quên được mùi hương này.
Chợt có tiếng chuông, leng keng.
Gió thổi.
Hắn ướt và lạnh, gió càng thổi hắn càng lạnh. Hắn biết, hoặc bò được lên miệng hố hoặc chết ở đây. Mặc kệ tà ma hay thần quỷ, hắn cũng phải rời khỏi chỗ này. Mà, chắc gì đã có ma. Có lẽ, chờ thầy phù thủy làm phép xong hắn có thể xin được thọ lộc chăng. Vì hắn biết, là thầy phủ thủy có nuôi âm binh, người thầy tự coi mình là tường, không bao giờ thụ lộc của âm binh, là người dưới của mình. Khi đó thì con gà kia, và chút rượu nữa. Hắn cố lật người lại. Dù đã quen hơn với cái mùi mục rữa của cơ thể người, nhưng khi lật người lại mùi xú uế xộc thẳng vào mũi khiến hắn không tài nào thở được, từ bụng hắn nổi lên một cơn sóng, hắn nôn thêm một lúc nữa. Hắn chỉ chực nằm ngửa ra để khỏi phải chịu đựng cái mùi kinh khiếp này. Nhưng hắn biết, chỉ cần cứ ở đây, hắn sẽ chết, sớm hoặc muộn.
Lại có tiếng chuông, leng keng, leng keng.
Gió thổi mạnh hơn.
Hắn đã bắt đầu bò được một bước. Thực ra nói là bò cho sang miệng chứ thực ra là hắn trườn và lấy tay đẩy thêm đôi chút. Lúc này đôi chân hắn tê cóng không thể nhúc nhích được làm hắn di chuyển càng khó khăn. “Phải sống” hắn lẩm nhẩm vì không muốn mình ngất đi lần nữa. Tỉnh táo hơn, hắn hiểu rằng nhờ có cơn mưa ban nãy, cơn mưa đêm rằm tháng bảy mà hắn có thể tỉnh lại, nếu chậm hơn chút nữa, có lẽ hắn không thể sống.
Lại có tiếng chuông, leng keng, leng keng, leng keng.
Gió mạnh.
Sau một hồi cố sức. Hắn chỉ cách miệng hố chừng nửa cánh tay. Vì hố đầy ngập xác nên hắn có thể bò lên được miệng.
Lại có tiếng chuông, leng keng, leng keng, leng keng.
Gió mạnh dữ dội, cây cối xào xạc.
Những tán cây đen đúa hiện lên trên nền trời tối thẫm. Hắn thấy gì đó không ổn. Có cái gì đó ngày càng gấp gáp.
Bây giờ thì tiếng chuông liên tục kêu, không thể đếm được từng tiếng. Tiếng nọ lẫn vào tiếng kia, tiếng kia nuốt mất tiếng nọ. Gió đang tự dưng ngừng bặt. Nhưng có một điều khó hiểu. Đó là vẫn nghe thấy tiếng cây cối ngả nghiêng. Rồi như có tiếng hát từ xa. Cũng không phải tiếng hát. Giống như tiếng nói chuyện mà cũng không hẳn là tiếng nói chuyện. Tiếng động này, từ xa tiến lại gần.
Bỗng cái giọng ma quái sau một hồi im ắng kia quát lên một tiếng:
– Tới!
Tiếng quát làm tóc gã dựng đứng lên. Tiếng động từ xa kia như cảm ứng với tiếng quát, dường như tiến nhanh hơn. Hắn kinh hoàng nhận ra bằng cảm giác: Âm binh đang đến. Đây rõ ràng là trận “chế” của một tay phù thủy lão luyện.
Lúc này Quyết nằm sấp ngay sát miệng hố, ngẩng đầu lên có thể thấy cảnh tượng xung quanh. Hắn hiểu ra chắc chắn tên phù thủy này đã giết hết các bóng đen khi nãy. bấy giờ hắn nhất thời cũng không biết nên làm thế nào nên vì bò tiếp ra khỏi hố cũng không được nên chẳng còn cách nào khác định nằm im chờ đợi. Nhưng thâm tâm cũng tò mò nên kê tay lên cằm, ghé mắt ngó.
Lúc này đã tạnh mưa, trăng rằm soi rõ mọi vật như ban ngày. Gã thấy ngay trên một bãi đất trống cạnh hố, bày biện một bàn lớn. Trên bàn có một lư hương bằng đồng nhỏ, một bát hương, khói hương từ bát và khói trầm từ lư bằng đồng bốc ra nghi ngút. Vốn có hiểu biết trong nghề hương khói, Quyết biết ngay đây là tuyệt phẩm “tử khí trầm” quý hiếm loại thượng hạng từ vùng… Chữ “tử” ở đây không có nghĩa là chết mà là đỏ tía vì loại trầm hương này khi đốt khói có màu đặc trưng màu đỏ tía và hương thơm cực kỳ đậm đà, trong vòng mấy chục trượng đều ngửi thấy mùi. Dân gian truyền rằng, trầm hương hình thành từ cây dó bầu, hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên thân cây, lâu ngày, cây thấm hương trời biến thành trầm hương. Những cây dó có trầm thường bị xơ xác và thân có u, bướu, bị sâu đục, gò mối đóng, cây bị giông gió làm gãy cành hay bị sét đánh.Loại “tử khí trầm” này, phải hội đủ hai yếu tố, một là bị huyết trùng đục, hai là bị sét đánh. Thứ tự đục trước đánh sau không được thay đổi. “tử khí trầm” một khi đã xuất hiện thì các mùi khác không tài nào có thể nhận biết được. Vậy tại sao vẫn có mùi hôi thối nồng nặc? Chuyện này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là, hương trong bát hương dù là loại hương “mỹ thành” cũng là loại tuyệt phẩm trong các loại hương. Nhưng xét về bản chất, trầm bao giờ cũng hơn hương một bậc nên không có nhiều công dụng. Nhưng “tử khí trầm” gặp “mỹ thành hương” thì công dụng cũng giảm đi một phần. Thứ hai là mùi xú khí của tử thi cũng là thứ mùi vị cực phẩm thối trong thiên hạ, hắn lại nằm ngay giữa trung tâm của một cái huyệt với hàng trăm xác chết nên “tử khí trầm” không phát huy được hết tác dụng cũng là vì vậy. Tính ra thì, vừa có một cuộc long tranh hổ đấu của hai loại mùi hương mà cuối cùng vẫn chưa phân thắng bại. Vừa rồi có lẽ trầm hương được đốt thêm nên tạm thời xú khí hắn ngửi thấy mười phần đã giảm được bảy. Nên nhớ, đối với thầy phù thủy dùng “chế” trận, mùi hương cực kỳ quan trọng. Hồn theo hương mà tới, vì vậy mà mỗi khi khấn cúng người ta thường thắp hương, một phần coi đó như một lễ vật để cung tiến, một phần cũng là để hồn người gọi dễ về. Trầm hương thầy cúng sử dụng càng quý thì càng dẫn dụ được nhiều vong. Nhưng thầy cũng phải cân nhắc năng lực của mình, trầm quý dẫn vong quý, vong quý trị được thì đại quý, không trị được thì họa, đại họa.
Lúc này Quyết mới nhìn rõ, trên bàn bày biện đủ cả hương, hoa, đăng, trà, quả, thực gọi là lục phẩm tiến cống. Giữa bàn bày nguyên một con lợn quay lớn, còn có đến năm con gà xếp xung quanh, rồi xôi, hoa quả, toàn thứ đồ thượng hạng, đấy là thực. Có điều, với tình thế này, Quyết tuy đói nhưng có gan bằng trời cũng không dám lao đến tranh ăn.
Cạnh bàn một người đàn ông cao mà gầy đang đứng bên bàn đưa tay lên mặt bàn, tay đặt vào trong một cái bát lớn. Bên cạnh có một cái bát khác, nhất thời Quyết chưa thể nhận ra trong đó có gì. Dị nhân này đầu tóc dài xõa phủ gần như kín mặt, đôi mắt lấp ló trong mái tóc đó. Nhưng đó là đôi mắt sắc như dao và sáng như điện, tựa hồ trong đêm tối đôi mắt đó phát sáng được. Quyết lúc này cách bàn tế có một trượng và gần như thấy rõ người đàn ông này. Miệng tay phù thủy liên tục lầm bầm điều gì đó. Nguyên là lúc này, sau khi gọi hồn về quanh “thu binh trận”, hồn thường không vào trận ngay, thời khắc này là rất quan trọng cho việc thành bại của lễ tối nay. Nếu không dùng uy lực áp chế được vong vào trận thì thầy phù thủy có cao tay đến mấy cũng không thể sai khiến vong được. Ở đây thầy dùng trận “chế” nên càng nguy hiểm hơn. Vong bị thầy dùng uy lực thúc đẩy vào trận, có thể ví như người ta thúc ép một con vật vào lồng, nếu không cẩn thận sẽ bị con vật đó quay ra cắn lại. Oai lực chính là cái thần thái tự có trong mỗi con người. Có người mà khi người ta mới gặp lần đầu đã cảm thấy quý mến, gần gũi, có người người khác gặp lại thấy sợ hãi, ví như có sát khí của loài rắn, loài vật dù bé như nhưng mỗi lần gặp đều khiến người ta có cảm giác kinh dị. Oai lực này giống như năng khiếu của mỗi thầy phù thủy, là cái trời cho, không bao giờ học được. Ví như thường thì con người không thể nhúc nhích tai mình, nhưng có người lại có biệt tài đó. Những chuyện như thế này, con nhà danh gia khâm liệm như Phạm Đình Quyết vẫn thường được nghe ông, cha và nhiều người trong đám ma nhắc đến nên rất có hiểu biết. Người trước mặt Quyết lúc này, thần tướng lộ rõ ràng trên mắt, ánh mắt như chưa dao, chưa ra lệnh mà người khác đã phải thuần phục, chưa lên tiếng người khác đã phải tuân theo, con người có dữ tướng như thế này, thì không những dụ ma, mà thôi miên người sống cũng dễ như trở bàn tay, tính ra cũng là cao thủ trong giới huyền thuật (???).
Lại nói tình trạng hiện giờ đang là lúc quyết định, nếu không dụ được ma thì thầy phù thủy có hai vật hộ thân. Thứ nhất là oai khí của bản thân, cái này gọi là tố chất tự có, thứ hai là bùa trấn yểm đã chuẩn bị khi trước, cái này có thể học được, nhưng công phu rèn luyện cực kỳ gian khổ. Tuyệt thủ phù thủy có thể không cần yểm thân mà chỉ cần oai lực bản thân, loại này có thể được coi như vua trong âm giới, cực kỳ hiếm gặp. Thầy phù thủy cao gầy trước mặt Quyết đây không có được tố chất đó, oai lực tuy vào dạng khó tìm nhưng chưa phải là tuyệt thế. Thế nhưng như thế cũng là cẩn thận vì với thần thái lộ diện thế này thì thu những binh thường như vong lưu lạc cũng là chuyện dễ như trở bàn tay. Nhưng nghề nào có quy tắc nghề đó, nghề phù thủy tiếp xúc với âm giới, cũng như nghề khâm liệm, phải lấy thận trọng làm đầu, vì nếu chẳng may mà bị ma áp vong thì hậu quả khó lường, lúc đó chết được đã là điều may mắn. Có thầy phù thủy non tay bắt vong mạnh, bị vong nhập vào, đêm về lẻn vào phòng con gái ruột, làm chuyện đồi bại, không những thế, khi xong việc tự nhiên quát tháo om sòm, làm cho cả làng chạy sang xem, đều biết chuyện. Lúc đó, thật là sống dở chết dở, bị cả làng dè bỉu khinh miệt, không bỏ làng đi không được, đó là nỗi oan cực kỳ khó giải vì nghề phù thủy thường phải giấu kín, hoặc ít người biết đến, thành ra không ai tin là mình bị ma nhập mà chỉ coi mình như loại cầm thú, tự hãm hiếp con đẻ. Ngoài chuyện đó ra một khi vong đã áp được vào thầy thì những chuyện trả thù thật là vô cùng đa dạng, cướp của giết người hay thậm chí để thầy tự tay giết cả nhà thầy đều là những chuyện dễ như trở bàn tay. Vậy nên nghề phù thủy phải thận trọng hơn nghề khâm liệm một bậc âu cũng là dễ hiểu, một bên là khiển ma, một bên là hầu ma, tự nhiên thứ tự phân rõ cao thấp.
Lúc bấy giờ, trăng đã lên cao, trời quang mây tạnh. Trăng rằm làm mọi vật sáng như ban ngày. Quyết giật mình kinh hãi vì nãy giờ chú ý vào bàn lễ, khi quay sang nhìn xung quanh thì thấy những bóng trằng lờ nhờ nửa đen nửa trắng xếp thành một vòng dày đặc, những bóng này chính là vong hiện. Quyết thấy những tiếng kêu rất man rợ phát ra từ khắp nơi. Tựa hồ như đó là tiếng khóc nức nở của người mẹ mất con trộn lẫn với tiếng la thét của những người bị xử lăng trì, đâu đó còn thấy tiếng thì thầm như của một đám đông. Gió rít liên tục, cây cối liên tục chao đảo theo chiều gió. Âm thanh này, cảnh tượng cảnh tượng này làm người ta thật kinh hãi.
Gã cao gầy đứng trước bàn lễ không hổ danh là một thầy cao tay ấn, trước cảnh tượng đông đúc này mà không hề nao núng, miệng vẫn khấn đều đặn, không hề tỏ ra biến sắc, như thể đây là chuyện diễn ra hàng ngày vậy. Đột nhiên, gã thét một tiếng:
Vào!!!
Tiếng quát này to mà đanh thép, tựa hồ như tiếng tướng quân ra lệnh. Tiếng thét vừa dứt, tất cả các âm thanh đều im bặt, cả gió cũng không còn. Qua một hồi, Quyết thấy các bóng lần lượt đi qua một hướng, giống như sắp hàng đi qua trước bàn lễ vậy. Hàng bóng trắng này đi qua trước mặt Quyết. Đương nhiên là khiến quyết kinh hãi vô cùng, nhưng tò mò còn thắng cả kinh hãi, cũng cố giỏng tai, ghé mắt xem cho tường tận.
Mỗi bóng cách nhau chừng nửa trượng, mỗi khi qua trước mặt thầy, lại dừng lại, tựa như để thầy nhìn cho kỹ. Thầy nhìn từng bóng một rất kỹ càng, rồi lại quát một tiếng:
– Qua!
Lập tức bóng trắng này rời khỏi bàn và rời đi rất mau chóng và lặng lẽ. Nhưng cũng có lúc thầy hô:
– Nhận!
Lập tức bóng trắng đứng ra một bên, tụ lại một góc mé tả thầy. Qua một hồi rất lâu, mới có ba cái bóng tụ lại gần thầy. Lúc này thầy mới lấy một cái gì đó trong cái bát lúc nãy thầy đặt tay vào và bỏ sang cái bát bên cạnh. Nguyên đây là một thầy phù thủy cực kỳ cao tay, không phải loại vong tầm thường nào cũng nhận, mà phải có chọn lọc, nuôi những ma mạnh có thể làm được nhiều việc hơn, hữu dụng hơn, nuôi những vong yếu nhiều khi vô dụng, vì ngoàii việc nghe ngóng, làm do thám hay true ghẹo đàn bà, trẻ con thì thường không làm được việc khác. Những vong tụ lại bên cạnh thầy chính là những ma được thầy thu nhận. Còn vật trong bát là những hạt đậu đen, thầy yểm phép để vong có thể ẩn vào hạt đậu khi cần có thể gọi ra, lúc không cần có thể thu lại trong hạt đậu đó, đi đến đâu có thể đem ra sử dụng đến đó, rất là thuận tiện. Lại nói thêm rằng, có thầy cúng thường chỉ thờ âm binh trong các bàn thờ gần nhà, loại thầy phù thủy có thể thu được hồn vào hạt đậu cũng là hạng hiếm gặp.
Những chuyện này, Quyết cũng hiểu được sáu bảy phần, là do được nghe nói nhiều nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt, hôm nay, nếu không tính đến nguy hiểm đang rình rập thì kể ra cũng được một lần mãn nhãn. Lúc này, hiếu kỳ thắng kinh hãi, Quyết quên cả mình sắp chết đói, quan sát rất cặn kẽ, suy đoán từng việc, từng việc một.
Bây giờ, trước mặt thầy phù thủy là một dị vong. Gọi là dị vong vì bóng của hồn này không nhờ nhờ như các bóng khác mà sáng khác thường. Ánh sáng của vong này lộ sắc tía hồng, sáng hơn và lớn hơn các vong khác. Thầy phù thủy nhìn vong đến một khắc (???). Mặt không biến sắc, nhưng từ miệng thầy, tiếng niệm to hơn. Cái bóng tía lắc lư. Thầy cũng đọc gấp theo nhịp lắc lư đó. Trán thầy toát mồ hôi nhưng giọng niệm vẫn ổn định, không lộ vẻ gì khác thường trong tiếng niệm, trừ việc tiếng niệm to hơn. Nhưng dường như tiếng niệm này không khắc chế được tía vong. Vong này liên tục lắc lư thách thức. Đột nhiên, thầy phù thủy ngừng niệm. Hai mắt mở to nhìn chòng chọc vào vong.
Đột nhiên có tiếng cười ha hả vang dội.
Thầy phù thủy giật mình, lùi lại một bước, miệng lẩm bẩm:
– Soái vong!
[1] Tức năm 1778

[2] Tức bệnh rầy ở lúa

Đại Nam Dị Truyện - Hồi 2 : Gia tộc khâm liệm

Nhà Lê Trung Hưng, những năm Cảnh Hưng, tại Trấn Sơn Tây, phủ Tam Đái, tại thôn Thượng có nhà họ Phạm có cái nghiệp khâm liệm. Kể ra thì, từ xưa đến nay, chẳng mấy ai coi khâm liệm là một nghề. Suy đi tính lại, thì khâm liệm chỉ là cái việc lau rửa và đưa người đã khuất vào quan tài. Cũng có những người chuyên làm công việc này khi làng, xã có người qua đời, thù lao cũng có nhưng chỉ là công việc làm thêm, những người như thế vẫn trồng lúa, đánh cá kéo chài như nông dân thường, chỉ là có can đảm dám tiếp cận với tử thi, về cơ bản vẫn không thể dùng công việc đó mà nuôi sống gia đình và bản thân. Vậy nên chỉ nên gọi khâm liệm là việc, không nên gọi là nghề, càng nên tránh từ nghiệp. Thế nên việc nói rằng chuyên nghề khâm liệm cũng hơi quá chăng? Có điều, họ Phạm có đôi chút khác biệt với những điều nêu trên. Họ Phạm có thể nuôi sống bằng nghề hầu ma này, không những thế, lại có thể sống tương đối dư giả. Như vậy đủ gọi đó là nghề. Còn nghiệp thì là do cái nghề này vận vào thân, có muốn tránh cũng không thể tránh được.
Vậy mà dòng họ Phạm đã làm nghề này được nhiều đời. Dân làng vẫn đồn đại nhau rằng, họ Phạm không phải tự nhiên mà làm nghề này cha truyền con nối như thế. Họ truyền tai nhau rằng cách đây tám đời, họ Phạm có một người tên là Phạm Đình Phong, là một người nhỏ bé, gầy gò, lại vốn có bệnh hen từ nhỏ, đã có vài lần tưởng không qua khỏi, chỉ chờ quấn chiếu đem đi. Nhưng Phong vẫn sống, dù lay lắt, ho hen ốm yếu suốt. Thuốc thang chạy chữa cũng nhiều mà sức khỏe chỉ cầm cự được chứ không khá lên. Điều đó người làng Kim Nga coi như một kỳ tích rồi. Nhưng ốm yếu như thế, làm nông không nổi, mà buôn bán thì nhà cũng không có nghiệp. Cha mẹ Phong rất buồn phiền vì biết rằng khi mình trăm tuổi không biết Phong sẽ sống như thế nào, tất nhiên việc lấy vợ sinh con càng khó khăn. Hai vợ chồng nghĩ mà ứa nước mắt, lại đầu tắt mặt tối lo làm việc để dành dụm cho con sau này lưng vốn sống qua ngày. Từ lúc nghĩ thế, hai vợ chồng không quản ngày đêm làm việc cực nhọc, ngoài những việc nông nghiệp còn đi làm thuê cho thiên hạ, ai thuê gì làm nấy, không quản khó khăn vất vả. Dân làng ai cũng thương hai vợ chồng khó khăn, có việc gì cần họ lại nhờ làm. Âu cũng là nước mắt chảy xuôi, đạo lý từ xưa đến nay, không có gì khác biệt.
Nhưng có một chuyện lạ, đó là khi năm Phong lên năm tuổi, là cứ mỗi lần mẹ Phong đi gánh phân tưới mảnh vườn sau nhà thì Phong lại đòi đi theo. Ban đầu mẹ thấy vui vì có con đi cùng. Nhưng có hôm trời nắng quá, thương con, mẹ bắt con ở nhà. Phong khóc toáng lên như đứa trẻ bị cướp mất kẹo, miệng kêu:
C..t, thơm!
Mẹ lấy làm lạ, bèn hỏi cho ra nhẽ, thì Phong nói là phân có mùi thơm, muốn đi theo để ngửi cho thỏa. Mẹ kinh hãi nghĩ là con nói đùa. Khi chồng về bà liền nói với chồng chuyện này. Bố Phong tức giận vô cùng, nhưng chỉ xem con mình thích đi chơi mà không được đi nên mới ăn nói lung tung, bèn nọc ra đánh một trận.
Một lần trong nhà có con chuột chết, tìm mãi không thấy là ở đâu, mà mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Qua vài ngày sau, mới biết, nguyên là Phong giấu một con chuột chết gói vào trong lá chuối, giấu dưới gối. Lúc này đã qua mấy ngày, đã trương phồng lên. Hai vợ chồng mới cả kinh, tin rằng chuyện con mình có dị tính là thật. Chuyện này hai vợ chồng đành giấu kín vì sợ dân làng biết được sẽ coi là Phong bị ma ám, đuổi ra khỏi làng. Từ đó hai vợ chồng nơm nớp lo sợ, tuyệt đối không để Phong tiếp xúc với những thứ ô uế. Đến nhà tiêu cũng phải làm thật xa nhà mà mỗi khi Phong đi tiểu tiêu đều phải đi theo. Có điều, càng ngày cậu bé càng như không cưỡng lại được mùi hôi thối, chúng giống như là một chất nghiện, khiến cho Phong không thể cưỡng lại được, cứ thấy mùi hôi là nán lại nơi đó mãi không thôi.
Chuyện này tiếp diễn đến năm Phong mười ba tuổi. Năm đó, làng có lụt lớn, chết rất nhiều người. Nhà Phong may mắn thoát chết. Khi lụt rút đi, để lại rất nhiều xác động vật và người, qua mấy ngày ngâm trong nước, mùi thật khó tả. Xem ra tình cảnh này chỉ có Phong là thích thú hơn cả.
Không chỉ riêng làng Thượng mà rất nhiều làng, xã khác nơi con sông Thao chảy qua đều bị lụt to. Quan trấn ty[1] lo sợ dịch bệnh bùng phát, hạn trong ba ngày phải đem chôn hết các xác chết, nếu không làm kịp thì phải chịu tội. Lệnh hỏa tốc được truyền xuống tận các xã. Thế nhưng, xã trưởng tại huyện Tam Dương khi ấy là ông Tốn có người cha đi ăn cỗ bị nước cuốn trôi không biết đi đâu. Mà ông Tốn vốn là người con có hiêu, rất tận tâm chăm sóc cha già, thêm nữa lại là người rất tín, nếu cha ông nhỡ chẳng may mà có ra đi rồi thì làm sao có thể để mất xác được? Ông ra lệnh người nhà lùng tìm khắp ba ngày mà không sao tìm ra được. Ông Tốn buồn rầu lo âu mất ăn mất ngủ mấy ngày đêm.
Ông Tốn vẫn chủ ý tìm hỏi, kiếm xa hơn. Đến khoảng nửa tháng sau. Có tin về rằng cụ nhà bị nước cuốn trôi xuống mãi tận thôn Thượng. Ông đến tận nơi xem thực hư, hỏi những người chôn cất thì mới biết đó đích thị là cụ nhà. Ông thương lắm, khóc chừng một lúc lâu, rồi định quay về, ba năm nữa quay lại cải táng cụ. Khi ấy có người trong nhà là thầy phong thủy, ông nhìn quanh khu đất được chôn,chỉ vào nói với ông Tốn rằng:
– Cụ nhà được chôn nơi đồng không mông quạnh thì làm sao mà tàng phong, mà mạch nước thì cuồn cuồn mà thẳng thế này, thì làm sao mà tụ khí được? Huyệt táng vào nơi này, Chỉ e rằng sau ba năm, ông không có cơ hội quay lại thay áo[2] cho cụ.
Ông Tốn giật mình hỏi phải làm sao. Thầy đáp:
– Muộn cũng phải làm, lập tức đưa về chôn cất tại nơi khác.
Ông Tốn lại hỏi:
– Chôn xuống rồi, lẽ nào lại đưa lên? Đó chẳng phải đại kỵ sao?
Thầy đáp:
– Phép đó thì tôi làm được, chỉ xin ông tin tôi, tôi ắt có cách.
Ông Tốn nghe theo. Bèn bàn định tìm đất chôn mới. Xong đâu đấy bèn sai người chuẩn bị quan tài, tính quật một lên. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Việc quật mộ vốn đã là đại kỵ, mặc dù chủ nhà đồng ý, nhưng chẳng ai dám làm. Ông Tốn dù là làm xã trưởng nhưng nơi đây chỉ có vài người bà con, mà cũng không ai chịu đứng ra làm. Ông treo thưởng rất cao, tìm mấy người ăn mày ở chợ mãi mới có ba người chịu.
Đêm đó, ông Tốn thắp hương, làm lễ, khấn vái đâu đấy, đợi đến giờ hợp, ra lệnh đào mộ. Người làng ai cũng biết, kéo đến xem rất đông. Vì là mộ chôn vội đất còn nhão nhiều nước nên chỉ đào một lúc là đã thấy manh áo đen lộ ra. Cụ Tốn mừng thầm chuyện sắp thành.
Nhưng ngay lúc đó, một mùi thối khủng khiếp bốc lên khiến người xem đứng xung quanh trong vòng ba trượng không ai là không nôn ọe. Nguyên là xác cụ nhà ông Tốn vốn đã chết được đến nửa tháng không thể tránh khỏi chuyện rữa nát, trương phình, cụ thể hình to lớn, béo dị thường (hay nay gọi là chứng béo phì), vừa rồi người ăn mày vừa làm vừa run cuốc sâu quá, trúng ngay bụng tử thi đang trương phình, thành ra ổ bụng vỡ tung, nội tạng tung tóe khiến ai cũng lợm tởm. Xú khí vốn đã nhiều, nay lại vỡ ổ bụng, thành ra như quả bóng bị vỡ, khí thối tỏa ra khắp không gian. Ba người ăn mày kinh hãi quá, vứt cuốc bỏ chạy một mạch. Người làng chỉ có ai gan lỳ mới đứng lại xem chuyện lạ này, nhưng cũng chẳng ai dám đụng đến cái xác đấy nữa. Thành ra chỉ có ông Tốn với ông thầy đứng trơ lại bên mộ, dù là người thân nhưng ông Tốn cũng phải đứng cách xa đến mười trượng mới tránh khỏi nôn ọe, nói đến chuyện tự mình khâm liệm cho bố, e rằng cũng không thể có đủ dũng khí. Thường thì người thân ruột thịt mình chết đi, ít người sợ hãi khi ở cạnh thi thể vì tin rằng hồn người thân không bao giờ làm hại mình, có điều tình trạng tử thi của cụ nhà ông Tốn như thế này, không phải ông sợ hãi mà đơn giản là không thể làm nổi công việc khủng khiếp này. Mấy lần ông Tốn nhắm muốn tiến lên nhưng đều không bước nổi bước nào. Ông thực sự lo lắng vì tình huống này không thể chần chờ được lâu, để đến gà gáy e rằng đại tử thi lộ dương thì tai hại thật không kể xiết.
Đang lúc đấy thì Phong đến. Nguyên là chuyện quật mộ này cả làng biết nhưng bố mẹ giấu biệt không cho Phong hay, sợ Phong ngửi thấy mùi hôi lại kích động, lộ ra dị tính thì không tránh khỏi phải tha phương cầu thực. Nhưng mới đầu còn giữ được, sau mùi bốc lên tanh hôi cả một vùng rộng lớn, làm sao giấu được “con nghiện” Phong. Mùi càng nặng cậu càng bị kích động, không chịu được phải đến gần nơi có mùi xem thế nào. Cậu chờ bố mẹ ngủ say rồi lẻn ra ngoài, vì thế lúc này mới thấy cậu bé ở đó.
Lúc này cậu bé tiến đến cách mộ có một trượng, mà chẳng hề có dấu hiệu gì kinh dị. Ông Tốn thấy thế, gọi cậu đến trước mặt rồi quỳ sụp dưới chân cậu bé, than lớn:
– Cậu bé ơi, cậu bé giúp tôi chôn bố, công ơn này, không biết lấy gì đền.
Phong không hiểu sao người này lại làm vậy, liền hỏi lại:
– Ông bảo gì cháu?
Ông Tốn lúc này đã bớt kích động, bèn dỗ ngọt Phong:
– Cháu giúp ta đưa cụ nhà vào quan, ta cho cháu rất nhiều tiền, tha hồ mua kẹo.
Phong đáp:
– Cháu không cần tiền, nhưng ông quan cần gì, cháu sẽ giúp ông.
Ông Tốn mừng hơn bắt được vàng. Bèn quay sang nói với thầy đang đứng cạnh, bảo ông hướng dẫn cậu cách khâm liệm. Thầy thấy thằng bé liệu chừng không làm nổi việc nặng, đột nhiên nghĩ ra một cách. Ông nhờ người mang lại một tấm vải lớn và một tấm ván lớn, dặn cậu bé đặt một tấm bùa vào trán người chết rồi quấn xác lại thật chặt như con nhộng.Sau đó kiếm một tấm ván lớn một cạnh đặt dưới mộ, cạnh kia kê lên miệng quan tài, rồi sau đó bảo cậu bé luồn năm cái dây qua xác chết, đóng mấy cái cọc cố định đầu dây lại… tất cả kể một lượt cặn kẽ, rành rọt. Sau đó bắt cậu bé nhắc lại. Cậu bé nghe vài lần mới nhớ hết, bèn cứ thế mà làm.
Thằng bé sức yếu, hì hục làm mấy canh giờ mới xong chuyện thầy giao. Lúc này, mùi thối giảm bớt rất nhiều, ông thầy nhờ năm người thanh niên kéo đầu dây kia. Giống như một cái ròng rọc, cái thây lăn hai vòng trên tấm ván rồi lăn tọt vào quan tài. Ở đây ông thầy cũng tính kỹ việc cái xác lăn thế nào để khi rơi vào quan tài thì vừa vặn nằm ngửa mặt lên, âu cũng là sự tính toán rất tài tình. Sau đó, ông cho đậy nắp quan lại, đóng chặt đinh, yểm đủ sáu tấm bùa lên sáu mặt quan tài rồi cho chất lên xe. Công việc vừa xong thì gà vừa gáy. Ông Tốn và ông thầy nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Riêng ông Tốn có chút xấu hổ vì không dám động vào thân thể bố. Nhưng nghĩ lại, thấy trời còn thương. Những người xem thấy mọi việc xong xuôi thì cũng vui chung với gia chủ.
Ông tốn cầm lấy tay Phong, lúc này nó mệt quá đã ngồi bệt xuống đất, ông xúc động:
– Cám ơn cậu bé, cám ơn cậu bé.
Đoàn người của ông Tốn lập tức trở về nhà, chuẩn bị việc mai táng. Đi không ngừng nghỉ, đến tối về đến nhà thì thấy trong nhà báo tin vui rằng ông Tốn được thăng quan, đến chức…, trát vừa xuống từ sáng sớm. Ông Tốn cả mừng, không ngờ trong một ngày lại làm được hai chuyện lớn, mà đều suôn sẻ thành công cả.
Chỉ trong vòng mấy ngày sau, câu chuyện đã đồn ra khắp cả trấn, ai cũng lấy làm kỳ lạ và kinh dị, nhất là những người kể lại thêm mắm thêm muối vào câu chuyện ví dụ như cậu bé chính là cụ cố nhập vào để tự liệm mình, có người lại nói thằng bé có bản năng thiên phú trong việc khâm liệm, có người lại nói ai mà được cậu bé khâm liệm cho thì giòng họ sẽ phát đạt, giàu có, thăng quan phát tài… Mà các tin đồn thì lớn rất nhanh, nhất là khi có chứng cứ rõ ràng, bao nhiêu người nhìn thấy, chuyện thăng quan là thật, Phong là thật, cái xác là thật, nên ai cũng tin.
Mẹ Phong ban đầu biết chuyện, kinh hãi ngất xỉu, người làng tưởng nghe chuyện kinh dị quá nên ngất đi, thực ra là bà sợ mọi người biết chuyện con mình ưa mùi thối, thành ra không tự chủ được. Hai vợ chồng nghĩ con làm việc tốt, cũng không nỡ mắng mỏ, nhưng lo lắm, cũng phải đề phòng miệng lưỡi thế gian, cho con mình bị ma ám, quỷ nhập mà làm hại. Thành ra cả nhà sẵn sang chuyển đi nếu có diễn biến xấu.
Nào ngờ chẳng ai nghĩ đến chuyện cậu bé tại sao chịu được mùi hôi, mà chỉ nghĩ cậu có dũng khí để giúp đời, ai cũng khen ngợi. Ngay sau khi an táng cha xong xuôi. Ông bèn đích thân mang hậu lễ gồm có vàng, bạc, trâu, bò, vải vóc sang, lại mua gỗ, thuê người làm một căn nhà lớn cho Phong, lại mua ruộng đất tạ ơn ân nhân. Từ đó nhà Phong trở thành giàu có trong làng.
Từ đó về sau, quanh làng nhà ai có việc hiếu cũng đến nhờ cậu bé mát tay khâm liệm giúp. Phong bản tính ngây thơ, chất phác, cơ bản là người tốt, cũng không nề hà gì chuyện giúp đỡ mọi người. Rồi thì không chỉ trong làng, trong xã, mà dần dần đến huyện, đến trấn, ai cũng biết tiếng Phong, cũng nhờ Phong. Của ăn thì chẳng mấy chốc mà hết, nhưng qua biến cố này, Phong có cái nghề trong tay, truyền lại cho con cháu, cũng gọi là có sự nghiệp nổi trội trong nghề hầu ma.
***
Lại nói đến chuyện Phạm Đình Phong khai được nghề gia truyền là khâm liệm, qua đến tám đời, đến đời Phạm Đình Sơn, khắp đàng Ngoài không ai không biết đến tiếng tăm của dòng họ Phạm Đình. Qua tám đời, với không biết bao nhiêu lần khâm liệm, nhà họ Phạm Đình tạo được một tiếng tăm lừng lẫy và là dòng họ duy nhất chuyên làm nghề này. Ba lần khâm liệm vua, bốn lần khâm liệm chúa, dòng họ này ngày càng giàu có bởi cái nghề nhọc nhằn này.
Về cơ bản, cái nghề khâm liệm này chỉ có công việc là đưa người chết vào trong quan tài. Nói ra thì đơn giản, nhưng quan niệm dân gian cực kỳ coi trọng chuyện sống chết, cho nên trong việc tang ma, có rất nhiều những quy củ cần phải nghiêm ngặt tuân theo, chỉ cẩn sơ sẩy một chút thì linh hồn người chết không thể siêu thoát mà đầu thai được. Thông thường, khi có người chết đi, cần phải tắm rửa sạch sẽ cho người đã khuất, rồi cắt móng tay móng chân cẩn thận, chỗ móng tay này cũng không được vứt đi mà phải gói lại đem chôn cùng. Nếu là người già mất đi thì vuốt mắt rồi thay quần áo, gọi là cỗ áo quan. Sau đó còn phải buộc hai ngón chân vào với nhau, hai tay để lên bụng, bó vai bằng sợi dây vải và bỏ vào miệng người chết một ít gạo sống cùng với tiền lẻ dùng làm thức ăn và lộ phí cho hương hồn ngừoi đã khuất. Sau đó, người ta dùng đũa ăn cơm để tráng miệng rồi phủ một tờ giấy hoặc mảnh vải trắng lên mặt. Tiếp đến phải là buông màn thắp đèn đặt cạnh giường. Tiến tới, lập ra một bàn thờ vong trước cửa, đó là một cỗ linh sa có bài vị người đã chết.
Bấy giờ, người ta mới bắt đầu khâm liệm. Thi thể người chết được đặt trên chiếc chiếu, khăn khâm liệm và đũa ngáng mồm mới được bỏ ra, rồi người ta dùng vải trắng gói người chết lại và đặt vào quan tài, gáy được gối lên hai chiếc bát ăn cơm. Người ta còn bỏ thêm một bộ tổ tôm mà bỏ con bài “bát sách” vào trong quan tài. Lúc này quan tài được đặt ở nơi trang trọng nhất của nhà, được kê bằng hai đoạn cây chuối. Lúc khâm liệm như thế phải có thầy cúng làm lễ, trên quan tài được thắp nến, nếu là nam thì bảy ngọn, nữ thì chín ngọn, giữa mặt ván có một bát cơm bong, trên có quả trứng gà kẹp bằng đôi đũa bông.
Về lý thì việc làm của người khâm liệm chỉ là công việc tay chân, tuy cần đôi chút cẩn thận để tắm rửa cho tử thi được sạch sẽ. Nhưng người nhà họ Phạm khâm liệm theo một cách riêng, họ không những là người khâm liệm mà còn là người tổ chức đám tang một cách cực kỳ quy củ. Chẳng những không bao giờ người nhà họ Phạm phạm phải những điều cấm kỵ trong nghề, mà còn có thể giúp cho người nhà trong những lễ như phục hồn, phát tang, phúng viếng, tế vong, quay cữu, tế cơm, cất đám, hạ huyệt, rước vong…
Những điều cấm kỵ trong tang ma, tính ra cũng nhiều không kể đâu cho hết. Ví như nếu trẻ con dưới mười sáu tuổi chết đi, thì mẹ không được đưa tang, mà đám tang phải diễn ra vào chiều tối. Hoặc giả như những người chết ở ngoài nhà như chết đuối, tai nạn thì không được kiêng không được mang xác vào nhà mà làm đám ở nhà kho hay sân đình, rồi thì trùng tang, cưới chạy… Vì nhà họ Phạm làm nghề lâu đời nên những chuyện như vậy rất là thông thạo, có thể giúp gia chủ tránh được những điều cấm kỵ.
Nhưng xét cho cùng thì có một điều đặc biệt làm cho nhà họ Phạm nổi danh như thế, ấy là phàm là những ai được họ khâm liệm thì con cháu nếu là thương nhân thì làm ăn phát đạt, nếu là quan lại thì thăng quan phát tài, cùng đinh như anh nông dân thì mùa màng bội thu, tiền bạc dư giả trong mấy năm liền. Thế nên ai ai cũng muốn có được may mắn được người họ Phạm “giúp”.
Chỉ có một điều lạ là qua tám đời, đời nào dòng Phạm Đình cũng chỉ sinh con độc đinh. Một con trai, không hơn. Dù đủ tiền cưới vài vợ lẽ, nhưng kết cục của tám đời vẫn là một cha một con, không hề có bà con thân thích nào khác. Thực là chuyện lạ.
Lời đồn đại về gia đình kỳ lạ này có rất nhiều, nhưng tựu chung lại một điểm. Nguyên là Phạm Đình Phong vốn là ông tổ khai sáng nghề, nhưng cơ thể gầy gò, ốm yếu như thế, nên ngay cả khi lấy vợ cũng không thể sinh hạ được con cái. Thành ra mặc dù gia đình ngày càng khà giả, nhưng ngẫm cho cùng thì tiền bạc có tích lũy được cũng chẳng có người chôn cất ma chay, thờ cúng.
Ai cũng đinh ninh rằng, đến hết đời Phong gia sản sẽ phá tán mất mà thôi. Nào ngờ, đến năm Phong năm mươi tuổi, người ta thấy trong nhà Phong có tiếng trẻ con khóc oa oa. Mà trước đó vợ Phong bấy giờ đã năm hai, không thế sinh nở được nữa. Vậy đứa trẻ này ở đâu ra? Phong mở một bữa tiệc lớn, mời bà con họ hàng trong làng lại, tuyên bố nhận một đứa bé trai làm con nuôi của một người ăn mày, để sau này có người thờ phụng, hương khói.
Bà con đều chúc mừng cho Phong, bởi con nào mà chẳng là con, miễn là có người hương khói sau này, thì chẳng phải cũng đã là thỏa mãn đường con cái rồi ư? Nhưng thực bụng chẳng ai nghĩ như thế, bởi nếu nhận con nuôi thì nhận cho sớm, chứ ai lại nạp con ở cái tuổi này nữa, vừa vất vả mà đứa trẻ trở nên côi cút khi nào không hay.
Nhưng còn một lý do nữa khiến người ta không tin đó là con nuôi của Phong, bởi trong đứa bé giống nhau như đúc, từ ánh mắt, cái mũi đến bờ môi, thực là như một hình ảnh thu nhỏ của Phong. Thế nên không ai là không hoài nghi.
Vậy phải chăng Phong có con bên ngoài với người đàn bà khác, có khi người vợ cũng chấp nhận cho chồng ra ngoài kiếm một thằng cu nối dõi hay chăng? Chuyện này có thể khiến người ta tin rồi, nhưng vì có một người trong làng thấy một chuyện bèn đem nói với mọi người, thành ra ai cũng kinh hãi.
Đó là trước khi Phong nhận đứa trẻ này, Phong có khâm liệm cho một cô gái chết đuối, mà tuổi thì mới mười sáu mà thôi. Đến khi khâm liệm xong xuôi, buổi tối ngày hôm ấy, người hàng xóm bên cạnh nhà Phong thấy có tiếng cho sủa rất dữ, nghĩ là có trộm, bèn mở cửa ra xem thế nào. Người hàng xóm nhìn quanh không thấy ai, chỉ thấy chó nhà mình lại hướng về phía cổng nhà Phong mà sủa. Chẳng những riêng nhà người này, các nhà xung quanh, chó cũng sủa râm ran. Người hàng xóm thấy lạ liền hướng mắt sang sân nhà Phong mà nhìn. Khi ấy, hàng rào giữa hai nhà thực ra chỉ là hàng cây râm bụt??? cao chưa quá đầu người, thành thử nhìn sang có thể thấy rõ cổng nhà bên. Ngày hôm ấy lại đúng mùng một, trời đất tối đen, người hàng xóm nghĩ thầm có nhìn cũng không thấy rõ được gì, đang định đóng cửa vào ngủ tiếp thì chợt thấy thấp thoáng trước cửa nhà Phong có một bóng người. Người này rõ ràng là một cô gái mặc áo trắng toát từ đầu đến chân. Kỳ lạ ở chỗ, người con gái này tự phát sáng trong đêm, thứ ánh sáng lờ nhờ như của đom đóm. Người hàng xóm vừa kinh hãi vừa tò mò, bèn dụi mắt nhìn lại cho rõ, thì thấy đúng là một cô gái, mà chính là cô gái sáng nay Phong vừa khâm liệm cho, bấy giờ đang đứng trước cổng nhà Phong. Mặc dù từ xa, nhưng người hàng xóm thấy rất rõ ràng, đó chính là cô gái ấy, không lẫn đi đâu được, đến mái tóc ướt của người chết đuối, vẫn có thể nhận ra qua thứ ánh sáng nhờ nhờ ấy.
Người hàng xóm sợ quá, định đóng cửa lại thì chợt thấy một bóng đen đi từ trong nhà ra, đứng một lúc với cái bóng sáng kia, rồi hai người cùng nhau đi khỏi.
Tính từ khi người hàng xóm thấy cái bóng ấy, đến khi nhà Phong có đứa trẻ kia, đúng vừa chín tháng có lẻ. Bởi vậy nên trong làng đồn rằng Phong đã ăn nằm với hồn ma kia, rồi đến ngày đến tháng đứa trẻ ra đời thì hồn ma kia lại đem trả lại Phong.
Thế là tin đồn Phong lấy vợ ma lan ra khắp nơi, khiến cho mọi người dần dần lảng tránh nhà họ Phạm, khi đứa trẻ lớn lên cũng không bao giờ có bạn, vì ai cũng sợ hãi mà đe nẹt con cái không được chơi với con Phong. Thế nhưng số người nhờ Phong cho khâm liệm giúp không hề giảm xuống, mà dường như cái tin đồn này làm cho Phong càng trở nên nổi tiếng hơn, càng đông khách hơn.
Kỳ lạ là trải qua nhiều đời, đời nào cũng vậy, người nhà họ Phạm cứ đến năm mươi tuổi mới sinh được con trai, mà đều đột ngột, không thấy vợ người đó mang thai bao giờ. Thành ra mọi người lại càng tin tin đồn ấy.
Đến đời thứ tám thì đến đời Phạm Đình Sơn thì. Khác ở chỗ cha ông cần mẫn tỉ mỉ, chăm chỉ, nâng niu từng li từng tý trong công việc bao nhiêu thì Sơn ngày càng cẩu thả bấy nhiêu. Sơn sinh ra trong gia đình có tiền có thế mặc dù gọi là con nhà danh gia khâm liệm thì hơi khiên cưỡng và tiếu lâm. Sơn ăn chơi trác táng, phàm là nhà giàu mới chịu đến hầu, nên nhiều người không ưa tính kiêu ngạo. Thân cô thế cô, lại kiêu ngạo, người ghét ngày càng nhiều, lại lười làm việc, khi làm cũng qua loa đại khái, không còn giữ được sự tôn trọng người đã mất. Nên nhớ, nghề nào cũng có cái tinh của nó, khi xưa ông tổ nghề Phạm Đình Phong và các đời sau đều kính cẩn khi làm lễ, nhưng Sơn không thế, Sơn nghĩ mình vốn thân thuộc với cõi âm, không có gì phải e dè cả, vì vậy thường ăn nói ngạo mạn, đôi lúc báng bổ đùa cợt quá đáng. Danh tiếng mất mát, từ đó gia đình dần dần lụi bại.
Có một lần Sơn uống say đi qua nghĩa địa, đột nhiên mắc tiểu, liền vạch quần tiểu tiện lên mộ người ta. Đây là mộ mới đắp của một cô gái vừa tròn 16 mắc bệnh mà chết. Các cụ có câu “chết trẻ khỏe ma” ấy là muốn nói đến hồn người chết trẻ thường linh thiêng do dương khí còn nhiều mà đã phải xuống cõi âm là vì vậy. Có người đi qua, liền nhìn thấy, lại rõ ngọn ngành ngôi mộ của ai, làm sao mà mất, nên sinh lòng tốt, bèn đợi khi Sơn tỉnh dậy, khuyên Sơn làm một cái lễ tạ tội với người đã khuất. Sơn cả đời nhiều lần nói lời khi bạc
Có lẽ do đắc tội với người quá cố cho nên ngày hôm sau, người nhà không thấy Sơn đâu bèn đổ đi tìm thì thấy Hùng co rúm bên gần mộ, sốt cao, mê sảng. Kể từ ấy không còn tỉnh táo nữa. Nhiều người nói do Sơn phạm tới những người âm nên kết cục mới như thế. Chuyện thực hư thế nào, chỉ là do nghe kể lại, không dám chắc mười phần.
Có điều chắc chắn là, kể từ khi đó, với gia đình Sơn, trụ cột gia đình đã bị đốn gãy, gia đình đã mấy đời không quen làm nông, lại thêm nhà cũng chỉ có ba người, Sơn nằm liệt rồi, vợ Sơn lại là người ham của, đĩ thõa, thấy chồng như thế mang theo tiền bạc, bỏ con lại mà theo người ta làm vợ lẽ.
Sau đó mấy tháng nhà Sơn bị cháy, dân làng hô nhau chữa cháy nhưng ngọn lửa hung dữ đã đốt sạch cả ngôi nhà lớn. Khi ấy, Sơn nằm liệt giường không thoát ra được, đành phải bỏ mạng. Dòng họ Phạm Đình bây giờ chỉ còn lại con Quyết, khi mẹ bỏ đi, bố chết, trong nhà không còn thứ gì, đành phải ra trấn ăn xin. Ai cũng nghĩ họ Phạm đến đây là dứt.
Không biết số phận họ Phạm ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
[1] Quan đứng đầu trấn
[2] Ý nói cải táng

Đại Nam dị truyện - Hồi 1 : Giáng long ra đời

Hắn đã vượt qua ngôi làng ấy.
Ngôi làng mà người ta gọi là ngôi làng ma.
Hắn đã vượt qua nghĩa địa ấy.
Nghĩa địa của ngôi làng ma.
Bây giờ hắn đứng trước một rặng tre lớn. Trên khuôn mặt hắn, mồ hôi chảy thành từng hàng, thậm chí ngay cả trong cái không khí lạnh lẽo này. Khuôn mặt ấy, cái khuôn mặt nhợt nhạt vì vừa trải qua một trận chiến mà trước khi dấn thân vào, hắn cũng không thể tin chắc mình có thể vượt qua hay không, bấy giờ có chút co giật.
Cả đời hắn xuất hiện hai cơn co giật như thế, lần đầu tiên là vào một đêm mưa. Một ánh chớp lóe lên, kéo dài trên bầu trời. Mặc dù đã chuẩn bị trước, nhưng hắn vẫn giật mình khi tiếng sấm vang lên sau đó vài khoảnh khác. Hắn đã bật chăn, vụt dậy, đẩy cửa chạy sang phòng bố mẹ hắn.
Thật lạ, trong căn phòng, đèn vẫn sáng. Hẳn là đã khuya lắm rồi, nhưng đèn vẫn sáng. Cơn tò mò làm hắn không bước vào ngay mà ghé mắt qua cửa để nhìn. Hắn thấy bố hắn đang ngồi ngay ngắn trên ghế, tay cầm một chiếc thìa, xúc ăn một vật gì đó. Một chậu cây cảnh đặt trong phòng che khuất món ăn của bố hắn, món ăn mà cứ nhìn theo cách ăn của bố hắn thì hẳn là ngon lành lắm. Khi ấy hắn đẩy cửa vào, toan làm mặt giận với bố vì không cho mình ăn cùng. Khi ấy, hắn thấy món ăn khoái khẩu của bố hắn.
Đó là một cái đầu người!
Trên bàn, một cái đầu người được đặt ngay ngắn trên đĩa. Phần đỉnh của cái đầu bị cắt phạt đi nhưng không quá sâu, như thể nếu cắt sâu quá thì “thức ăn” sẽ bị rớt ra vậy. Hắn có thể thấy được cái cán thìa nhô lên từ cái lỗ ấy. Như thể khi ăn xong người ta không đặt thìa xuống mâm mà đặt vào trong bát vậy.
Khuôn mặt đờ đẫn của người chết không hề vương chút máu nào, hẳn là người ta đã rửa sạch trước khi sử dụng. Nhưng trên khuôn mặt ấy, ánh mắt trợn ngược của người chết không được vuốt mắt cho thấy nỗi hãi hùng của những giây phút cuối cùng khi sống. Cái miệng há hốc càng xác nhận cho sự kinh hãi ấy. Có cái bớt nhỏ trên trán người chết. Cái bớt nhỏ này, lại tô điểm cho sự kinh hoàng của hắn càng trở nên kinh hoàng hơn.
Cái bớt xanh nhỏ bé này, là của mẹ hắn!
Hiển nhiên, bố hắn khi nãy đã xúc lấy não của mẹ hắn mà ăn.
Năm thìa! Bố hắn ăn toàn bộ bộ não của mẹ hắn chỉ trong năm thìa. Khi ấy, hắn mới năm tuổi. Năm thìa, hắn nhớ rất rõ, bởi từng chi tiết của bữa ăn diễn ra trong đầu hắn một cách tỉ mỉ đến hàng ngàn lần. Tận đến bây giờ, mỗi khi thức giấc, hắn vẫn có thói quen lẩm bẩm đếm từng thìa…
Lần thứ hai, khi cơ mặt hắn co giật, chính là bây giờ.
Trên đùi trái của hắn, máu đã ướt đẫm đến tận đôi giày vải. Hắn hiểu, nhờ vết thương chí mạng ấy, mà hắn sống sót.
Hắn lê từng bước chân nặng nhọc vào bên trong lũy tre tối tăm.
Có một tiếng hát ru văng vẳng đâu đó…
Phía trên cái gò đất cao chưa đến hai trượng này, một cây đa khổng lồ đen đúa trong đêm đầy những rễ đâm từ trên cao xuống đất như một con quái thứ đang tìm cách chui xuống đất. Có một ngôi nhà nhỏ nằm lọt trong những móng vuốt ấy.
Ngôi nhà sáng đèn.
Cái thứ ánh sáng phát ra từ ngôi nhà nhỏ này quá mỏng manh yếu ớt so với bóng tối hùng vĩ bao trùm lấy nó, thành ra, nó chỉ đủ sức cho thấy những rặng tre đung đưa một cách ma quái khắp nơi xung quanh ngôi nhà
Hắn bước chậm rãi đến trước cửa, toan đẩy ra. Chợt bên trong có tiếng nói yếu ớt vọng ra:
– Hồ Nguyên Tấn, ngươi cũng có thể vượt qua “mê hồn địa” của ta thực ư?
Hồ Nguyên Tấn lại đáp:
– Tại hạ có uống một viên “đoạn trường[1] tễ”.
Có tiếng cười nhạt bên trong nhà.
– Chỉ có thế thôi sao?
Hồ Nguyên Tấn bấy giờ đáp:
– Tại hạ… Tại hạ… phải tự đâm vào đùi mình, chân bên phải, hẳn là… thành tật rồi.
Tấn lại nhói đau, trên đùi hắn, con dao nhọn vẫn xuyên ngang qua đùi, khiến cho mỗi khi cử động, hắn đều cảm thấy đau thấu tâm can. Máu vẫn không ngừng rỉ ra trên đôi dao ấy.
Trong nhà vang lên một tràng cười lớn, tuy yếu ớt nhưng cực kỳ ma quái, một tiếng nói cất lên:
– Hay lắm, uống thuốc độc để cơn đau đớn giúp ngươi được tỉnh táo hơn, đến khi không chịu được thì tự đâm vào chân mình để cả hai cơn đau cùng hợp lực khống chế sự mê muội, từ đó thoát qua được “mê hồn địa” của ta. Cái nghĩa địa này, không dùng được nữa.
Nói rồi tiếng ở trong nhà bật lên một tràng cười sảng khoái, như thể vừa được xem một vở tuồng hay vậy.
– Ngươi đã mất công như thế, để ta cho ngươi xem cái ngươi vất vả đi tìm. Ngươi hãy vào đây…
Hồ Nguyên Tấn nghe nói thế thì hít một hơi rất sâu, đẩy của bước vào. Trong nhà, tất cả mọi vật dường như đều được làm từ gỗ, một cái ban thờ lớn chiếm đến nửa gian nhà, một cái sập gụ lớn bóng lộn chắc nịch, bên trái có một tủ sách lớn với vô số sách sắp đầy, một bộ bàn ghế mà trên bàn vẫn còn bày một ấm trà có lẽ mới pha vì vẫn còn có thể thấy mùi thơm ngào ngạt và bốc khói từ ấm, tất cả đều được làm bằng gỗ, được khảm ốc rất cầu kỳ và tinh xảo nhưng vẫn tránh được sự diêm dúa dễ thấy ở đồ khảm ốc. Mọi đồ vật được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ, chắc hẵn vẫn được thường xuyên lau dọn tỷ mỉ.
Phía bên phải ngôi nhà có một cánh cửa nhỏ ngăn giữa hai phòng. “cạch” một tiếng, Tấn thấy cánh cửa này mở ra, để lộ ra bên trong một căn phòng hẳn cũng chỉ thắp một ngọn nến trong đó. Bóng đen vừa mở cửa đứng nguyên ở đó như mời hắn vào.
Trống ngực hắn đập thình thịch, nhưng đích đã ở rất gần làm tâm trí hắn nhộn nhạo. Hắn bước tới gần cánh cửa, từ đây hắn có thể thấy rõ hơn bóng đen đứng đó. Đấy là một dáng hình phụ nữ mềm mại, yểu điệu nhưng hơi gầy gò, đầu nàng hơi cúi xuống đúng như cung cách của một người dưới, mái tóc người này không búi lên như những người phụ nữ Đại Nam thời ấy vẫn làm, mà xõa tóc che đi phần lớn khuôn mặt.
Mặc dù thân hình người này tao nhã nhưng khi đến gần, hắn có thể thấy rõ hơn nước da nhợt nhạt đến xanh xao của nàng. Hắn biết nàng là ai.
Đột nhiên nàng ngẩng cao đầu, để lộ bộ mặt xương xẩu và đôi mắt mở to, đôi mắt này thâm quầng mà đục ngàu máu rất hung tợn, nó không hề có lòng đen mà chỉ dày đặc những tia máu kết thành một màu đỏ thẫm cho cả đôi mắt. Trên gương mặt ấy, đôi môi cũng tái ngắt đi đến thâm đen như vừa đi giữa trời lạnh. Hàm răng đều đặn như những hạt lựu đỏ au những máu…
Hiển nhiên, đó là một ma nữ.
Ma nữ này vùng lên toan nhảy xổ vào Tấn. Tấn bình thản nhìn nó. Ngay lúc này phía bên trong có tiếng quát:
– Mai con, đừng làm thế, không ích gì đâu.
Ma nữ nghe thấy thế lại thôi không nhảy vào hắn nữa. Nó vẫn gầm ghè như một con chó bị chủ quát nhưng vẫn chỉ chực tấn công người khách lạ. Đầu ma nữ hơi cúi xuống theo lệnh người trong nhà nhưng đôi mắt vẫn hướng lên một cách giận dữ làm phần trắng trong con mắt chiếm đến quá nửa, khiến cho vẻ dữ tợn càng tăng thêm bội phần.
Tấn dường như không quan tâm đến ma nữ này, thản nhiên lướt qua trước mặt nó. Nhưng ngay khoảnh khắc hắn lướt qua như thế, ma nữ liền thét “Á” một tiếng man dại, bật ngược về sau đến một trượng.
Tấn không thèm quay mình lại, chỉ đưa mắt nhìn quanh căn phòng. Chợt lại có một tiếng “Á” vang lên. Nhưng đây không phải là tiếng của ma nữ, mà là tiếng của Hồ Nguyên Tấn. Dưới ánh đèn leo lét nhảy múa một cách ma quái, hắn mở to đôi mắt đến hết mức có thể. Trong chốc lát, hắn quên cả cơn đau, bởi hắn thấy một thứ kinh dị nhất từ trước đến giờ.
“Thứ đó”, đang nằm trên giường!
[1] Thuốc làm đứt ruột